Trách Nhiệm Hợp Tác Xã Nông Nghiệp

Hợp tác xã là gì

Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Hợp tác xã nông nghiệp là gì?

Hợp tác xã nông nghiệp cũng như các loại hình hợp tác xã khác là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, hoạt động trên cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện cách thức quản lý hợp tác xã theo cơ chế bình đẳng và dân chủ.

Tại hợp tác xã nông nghiệp, thành viên (chủ yếu là nông dân) tập trung nguồn lực của họ trong một số lĩnh vực hoạt động nông nghiệp, cung cấp sản phẩm nông nghiệp hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp.

Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập để thúc đẩy lợi ích của các thành viên, đồng thời cũng là chủ sở hữu của HTX. Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập khá nhiều ở các vùng nông thôn muốn phát triển nông nghiệp.

Hợp Tác Xã Nông Nghiệp
Hợp tác xã nông nghiệp

Chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của hợp tác xã nông nghiệp

Hợp tác xã nông nghiệp có nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhằm không ngừng nâng cao mức sống của các thành viên, tăng tích lũy vốn cho hợp tác xã và xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, làm tròn mọi nghĩa vụ đối với nền kinh tế, sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngày càng củng cố và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, tạo ra sản phẩm nông – lâm – thuỷ sản chất lượng, an toàn, uy tín. Góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ nông dân chuyên môn hóa các hoạt động sản xuất tại trang trại, đồng thời vẫn hưởng lợi từ nền kinh tế theo quy mô và nguồn cung cấp đầu vào và tiếp thị sản phẩm đầu ra, không chịu rủi ro bị khai thác quá mức bởi nhiều đối tác kinh doanh mưu mẹo trên thị trường.

Đẩy mạnh liên kết và hợp tác trên cơ sở lợi ích chung, chính là mục tiêu mà KTTT (kinh tế tập thể), nòng cốt là các HTX nông nghiệp hướng đến để thích ứng sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu này, KTTT, HTX nông nghiệp phải khắc phục những hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn, trình độ hạn chế, khó áp dụng khoa học-công nghệ, thiếu thông tin về thị trường…

Nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước cho nên khu vực KTTT nước ta có những chuyển biến tích cực, nhận thức của nhân dân được nâng lên, số lượng HTX tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ… Qua đó, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Những khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam và định hướng phát triển mới

Một chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam mở đầu với hình ảnh minh hoạ gợi lên nhiều suy nghĩ: cứ một chiếc xe chở nông sản xuất khẩu chạy ra, thì lại có hai chiếc xe chở nông sản nhập khẩu chạy vào.

Chương trình này đã phát cách đây nhiều năm, thực trạng đó giờ đây đã được cải thiện được rất nhiều. Thị trường thế giới đã rộng mở hơn.

Vì sao nhiều nông sản Việt có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng, nhưng ở chiều ngược lại, nông sản ngoại nhập vẫn giữ ưu thế trên các kệ hàng, từ chợ truyền thống, cửa hàng trái cây đến siêu thị, trung tâm thương mại?

Vì sao điểm hạn chế, có thể được xem là nút thắt lớn nhất của nền nông nghiệp, là sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” đã được nhận diện bao năm nay, nhưng vẫn chưa thể khắc phục?

Phải chăng một bộ phận người tiêu dùng đây đó vẫn thiếu niềm tin vào chất lượng, an toàn, vệ sinh của nông sản Việt? Phải chăng nông sản nhập khẩu được sản xuất với chi phí rất thấp, dù cộng thêm chi phí bảo quản, vận chuyển vài ngàn cây số, vẫn đủ sức cạnh tranh về giá với nông sản nội?

Phải chăng vì sản xuất tự phát, mỗi nhà mỗi cách nuôi trồng nên không đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường? Phải chăng vì thiếu tinh thần liên kết, hợp tác nên câu chuyện sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng đều, tối ưu chi phí, tạo dựng thương hiệu vẫn nằm yên trong các bảng kế hoạch?

Những Khó Khăn Của Nền Nông Nghiệp Việt Nam
Những khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam

Thực trạng về “chi phí cao, chất lượng kém” chỉ được xoá bỏ khi kinh tế hợp tác phát triển và hoạt động đúng triết lý “mua chung, sản xuất chung một quy trình, bán chung”. Nhìn lại hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, tuy chất lượng được cải thiện, nhưng còn đấy nhiều việc phải làm, cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ vừa đúng, vừa trúng.

Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hợp tác xã hoạt động có phần giống như một doanh nghiệp. Như vậy, lãnh đạo hợp tác xã ít nhiều có những hoạt động tương tự như ở những doanh nhân. Vị trí chủ nhiệm, quản lý hợp tác xã đòi hỏi yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, sức khoẻ, bản lĩnh, khả năng quản trị,… Kinh tế hợp tác hoạt động thực chất và hiệu quả là nền tảng vững chắc cho tiến trình cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.

  • Tối ưu chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, góp phần cân đối cung – cầu, cần đến hợp tác xã.
  • Xây dựng, chuẩn hoá mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản, cần đến hợp tác xã.
  • Sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cần đến hợp tác xã.
  • Ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến một cách hiệu quả, đồng bộ, cần đến hợp tác xã.
  • Chắp cánh, trợ lực cho kinh tế hộ gia đình, cần đến hợp tác xã.
  • Cầu nối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, cần đến hợp tác xã.

Hợp tác xã là một bộ phận của kinh tế nông thôn, kích hoạt cơ cấu lại nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dần tiến tới tham gia phúc lợi khu vực nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *